mennu

26 thg 5, 2011

Tạo thuận lợi cho công tác hạch toán của doanh nghiệp 2011

Thông tư 18/2011/TT-BTC: Tạo thuận lợi cho công tác hạch toán của doanh nghiệp (24-05-2011)
TCTC Online - Trong Chuyên mục Phân tích, bình luận chính sách số 4/2011 có đăng bài "Thông tư 18/2011/TT-BTC: Giải tỏa vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp (DN)" của Thạc sỹ Cao Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Sau khi phát hành, Tòa soạn Tạp chí Tài chính đã nhận được nhiều ý kiến độc giả, DN muốn tìm hiểu rõ hơn về Thông tư này.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo DN và độc giả, Tạp chí Tài chính số 5/2011 giới thiệu bài phân tích, bình luận xung quanh các khoản chi phí được quy định trong Thông tư này. 

Có thể nói, sự ra đời của Thông tư 18/2011/TT-BTC đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho DN tổ chức công tác hạch toán và chế độ báo cáo khi lựa chọn và chuyển đổi kỳ tính thuế cho phù hợp với việc điều hành hoạt động kinh doanh và công tác quản trị DN.

Kỳ tính thuế TNDN theo quy định hiện hành là năm dương lịch, các DN được quyền áp dụng kỳ tính thuế theo năm tài chính khác với năm dương lịch. Tuy nhiên, việc chuyển đổi chỉ mới được hướng dẫn tại Điều 1 của Thông tư số 18/2011. Theo đó khi lựa chọn quyết định phải chuyển đổi kỳ tính thuế thừ năm dương lịch sang năm tài chính hoặc ngược lại thì kỳ tính thuế của năm chuyển đổi không vượt quá 12 tháng.

Thí dụ, năm dương lịch bắt đầu từ ngày 01/01 và kết thúc vào ngày 31/12. Nay, DN quyết định từ năm 2011 sẽ chuyển đổi kỳ tính thuế từ năm dương lịch sang năm tài chính mới (bắt đầu từ ngày 01/4 đến ngày 31/3 của năm sau chẳng hạn). Với trường hợp này thì kỳ tính thuế của năm chuyển đổi sẽ được tính từ ngày 01/01/2011 đến hết 31/03/2011 và kỳ tính thuế của năm tài chính tiếp theo được tính từ 01/04/2011 đến hết 31/03/2012.

Bên cạnh đó Thông tư còn tạo sự rõ ràng, minh bạch cho cả DN và các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thông qua việc quy định cụ thể về những khoản chi được trừ, khoản chi không được trừ mà lâu nay thường gây tranh cãi, bức xúc do ý kiến rất khác nhau. Đặc biệt, thủ tục giấy tờ, chứng từ hợp pháp liên quan đến những khoản chi này cũng được quy định rõ theo nguyên tắc cắt giảm tối đa thủ tục giấy tờ không cần thiết.

1. Về các khoản tổn thất về tài sản, hàng hoá do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn được tính vào chi phí

Nguyên tắc chung là DN phải tham gia bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro (ví dụ bảo hiểm cháy nổ), trường hợp không may xảy ra thiệt hại thì sẽ được DN kinh doanh bảo hiểm bồi thường.

Thực tế cho thấy bồi thường của bảo hiểm thường thấp hơn thực tế thiệt hại, do đó phần chênh lệch thiếu hụt đó DN được tính vào chi phí được trừ sau khi đã phân bổ trách nhiệm cho những tổ chức, cá nhân có liên quan. Các loại giấy tờ là chứng từ hạch toán được thể hiện trong điểm 2.a.1 của  Điều 1, Thông tư số 18/2011.

2. Hàng hoá bị hư hỏng do hết hạn sử dụng

Lâu nay, DN thường bị lép vế đối với trường hợp này với lý do rất đơn giản là DN phải tính toán mua, bán, dự trữ hàng hoá đủ dùng thôi, quá hạn dùng rồi thì anh phải chịu lấy. Thực tế thường xảy ra những thiệt hại về hàng hoá bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên, hàng quá đát và đây là điều không ai mong muốn cả. Tháo gỡ bức xúc lâu nay, tại điển 2.a.2 của Điều 1 Thông tư số 18/2011 có quy định DN chủ động xây dựng định mức, trách nhiệm giải trình và những nội dung được tính vào chi phí.

3- Trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ)

DN chủ động lựa chọn phương pháp trích khấu hao và thông báo cho cơ quan Thuế (không phải xin, không phải đăng ký và không phải xét duyệt). Đề phòng rủi ro khi thanh tra, kiểm toán bắt bẻ về thủ tục, có lẽ DN nên làm việc thông báo này trong nội dung của tờ khai thuế của quý đầu tiên trong năm và thuyết minh rõ trong báo cáo tài chính năm, tờ khai thuế của kỳ quyết toán.

Đối với những TSCĐ phải tạm dừng do sản xuất theo mùa vụ (thí dụ nhà máy đường, chế biến sắn tươi), hoặc do phải tháo lắp để di chuyển (cần cẩu máy trong xây dựng) thì trong thời gian không hoạt động do các nguyên nhân này, DN vẫn được trích khấu hao để tính vào chi phí. DN cần phải có văn bản thông báo gửi cơ quan Thuế, nêu rõ lý do (điểm 2.b, Điều 1 của Thông tư 18/2011).

4- Chi phí liên quan đến quyền sử dụng đất (SDĐ) và giá trị quyền SDĐ

Nguồn gốc đất đai khác nhau thì chi phí liên quan đến quyền SDĐ được xử lý phù hợp với tính chất kinh tế theo lý lẽ của tự nhiên đời thường, đó là:

- Đất đi thuê thì tiền thuê đất tính vào chi phí, nếu trả trước cho nhiều năm thì cần phân bổ vào chi phí của từng kỳ hạn theo thời gian.

- Đất được giao có thời hạn theo hình thức có thu/nộp tiền SDĐ thì tiền nộp đó được phân bổ theo thời gian được phép sử dụng theo quyết định giao đất.

- Đất có thời hạn sử dụng lâu dài (thí dụ: đất gắn với nhà ở mua của cá nhân): Quyền SDĐ không bị hao mòn, không bị mất đi, thậm chí còn tăng lên theo thời gian; bởi vậy, giá trị quyền SDĐ lâu dài được hướng dẫn ghi nhận vào TSCĐ vô hình, không được khấu hao, không được tính vào chi phí.

5- Về xây dựng, quản lý định mức tiêu hao vật tư, nguyên vật liệu

Có rất nhiều tranh luận về thủ tục này, tuy nhiên thực tế đòi hỏi DN phải có nó để phục vụ yêu cầu quản trị DN, công khai minh bạch, tăng cường tự giám sát, tránh việc trục lợi hạch toán khống vào chi phí (đã có trường hợp kiểm tra phát hiện xe 12 chỗ made in Japan tiêu hao gần 170 lít xăng cho 100 km).

Nội dung mới của Thông tư số 18/2011 có ý nghĩa giảm nhẹ thời gian, cắt giảm thủ tục phiền hà theo Đề án 30 của Chính phủ, giúp cho DN giảm thiểu việc tranh cãi không cần thiết khi được kiểm toán, thanh tra là ở các điểm sau:

- DN tự xây dựng định mức, lưu tại DN, chỉ phải xuất trình cơ quan Thuế khi có yêu cầu.

- Riêng định mức chính của sản phẩm chủ yếu (không phải tất cả, chỉ một số và do DN tự quyết định) thì trách nhiệm của DN cần thông báo cho cơ quan Thuế trong thời hạn 3 tháng kể từ khi sản xuất kinh doanh.

- Nếu có điều chỉnh định mức trong quá trình SXKD thì cần thông báo lại cho cơ quan Thuế việc điều chỉnh, bổ sung. Thời hạn chót là thời điểm khai quyết toán thuế của  năm (thường là 31/3 năm dương lịch).

6- Về chi phí lương, thưởng đối với người lao động

Quan điểm mới đã được thể hiện và thực hiện nhất quán ngay từ khi ban hành Thông tư số 130/2008 là ở chỗ: Mọi khoản chi liên quan đến người lao động được xác định là chi phí về lao động, chi lương, chi thưởng chỉ là tên gọi cho phù hợp với yêu cầu quản lý mà thôi. Tâm lý chung của mọi người ai cũng thích được thưởng, được thưởng càng nhiều càng vui, càng hăng say làm việc, càng lao động miệt mài và khi sử dụng thuật ngữ "thưởng" cũng sẽ có nghĩa nhân văn hơn.

Tuy nhiên khoản lương, thưởng trong thực tế cũng đã bị lợi dụng ở nhiều nơi; Chính vì vậy mà Thông tư số 130/2008 có quy định ràng buộc: không hạn chế mức chi nhưng DN phải công khai điều kiện thưởng trong Hợp đồng lao động hoặc Thoả ước lao động tập thể để người lao động và tổ chức công đoàn có cơ sở giám sát, bảo vệ người lao động.

Kế thừa tư tưởng quan điểm trên và tạo thuận lợi hơn cho DN, Thông tư số 18/2011 quy định điều kiện cụ thể về lương, thưởng cần được ghi tại một trong số những hồ sơ: Hợp đồng lao đông; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

7- Về trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm sau liền kề năm quyết toán

Nội dung này đã được quy định tại Thông tư số 130/2008, tuy nhiên nội dung và các ví dụ tình huống được hướng dẫn cụ thể hơn, chi tiết hơn tại điểm 2.d.2 thuộc Điều 1 của Thông tư số 18/2011. Những điểm cần lưu ý trong thực hiện là ở chỗ:

- Dự phòng này chính là số dư tài khoản kế toán (tiền lương và các khoản phải trả) tại thời điểm 31/12 nhưng được kiểm tra, xác định số phát sinh bên Nợ trong thời gian quý I của năm sau liền kề.

- Về mặt thủ tục chứng từ, cần phải có Phiếu kế toán để chủ động tính toán tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm sau liền kề.

8- Về khoản chi trang phục

Trước đây, Thông tư số 130/2008 có quy định về chi trang phục nhưng phân biệt mức giới hạn chi bằng tiền không quá 1 triệu đồng; chi bằng hiện vật không vượt quá 1,5 triệu đồng.

Điểm mới của Thông tư số 18/2011 là nâng mức khống chế tối đa về chi trang phục nhằm đảm bảo cho DN thực hiện được trong điều kiện giá cả có biến động. Chi ở mức nào, chi bằng tiền hay hiện vật là thuộc quyền của DN, nhà nước chỉ giới hạn mức được tính vào chi phí mà thôi (tối đa 5 tr.đồng/người/năm).

9- Chi thanh toán phụ cấp và chi phí cho người lao động đi công tác

Không ít DN thường nhầm lẫn rất đáng tiếc về các khoản chi này do không hiểu tường tận đạo lý và tính chất kinh tế của nó. Thông tư số 18/2011 đã quy định cụ thể hơn nội dung này, có thể được diễn giải như sau:

- Thanh toán cho chuyến đi công tác có các khoản: (i) phụ cấp lưu trú (trong nước) hoặc tiền tiêu vặt (nếu đi nước ngoài); (ii) tiền tàu xe phương tiện đi lại; và (iii) tiền ở tại khách sạn, nhà nghỉ hay bất cứ nơi nào có thể nghỉ được.

- Với khoản (i) thì DN được quyền chi gấp 2 lần mức áp dụng đối với công chức, viên chức nhà nước (DN có thể chi bằng 1 lần cũng được không sao cả).

- Với các khoản (ii) và (iii) thì ràng buộc là: Thanh toán theo chứng từ thực chi ra hoặc chỉ được áp dụng mức quy định với công chức, viên chức nếu như DN thanh toán theo mức khoán.

10- Về xử lý các khoản trích trước theo kỳ hạn

Trước hết, đạo lý của quy định về chi phí trích trước là nguyên tắc chi phí phải phù hợp với doanh thu. Trong những trường hợp chi phí phát sinh 1 lần nhưng liên quan đến thời gian dài thì cần phải trích trước để bảo đảm tính ổn định của từng khoảng thời gian hoạt động.

Lâu nay, các cơ quan quản lý thường mới chỉ chấp nhận khoản trích trước về sửa chữa TSCĐ; với khoản trích trước khác thì còn băn khoăn lắm và hiện tượng phổ biến là lắc đầu, chọn bài "xuất toán" cho chắc ăn, không dại gì chịu trách nhiệm!

Nội dung mới được quy định tại Thông tư số 18/2011 (điểm 2.i thuộc Điều 1) là ở chỗ áp dụng trích trước đối với hoạt động đã hạch toán doanh thu nhưng còn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và các khoản trích trước khác. Quy định này giải toả cho DN và công chức thuế trong rất nhiều trường hợp, thí dụ ngay từ khi ký hợp đồng dịch vụ, Bên nhận dịch vụ đã trả tiền, yêu cầu Bên cung cấp phải xuất hoá đơn GTGT. Khi đã xuất hoá đơn GTGT thì phải hạch toán doanh thu; tuy nhiên, khi có doanh thu mà chi phí chưa phát sinh, buộc DN hạch toán toàn bộ số thu theo hoá đơn đó thì quả thực là rất phi lý.

Nay có quy định này, giải pháp được lựa chọn là trích trước chi phí đối với khoản thu này đã hạch toán doanh thu nhưng nghĩa vụ chưa hoàn thành (chưa triển khai nên chưa phát sinh chi phí). Việc xác định cụ thể số cần trích trước đối với từng hoạt động, DN cần dựa trên số liệu thống kê kinh nghiệm thực tế đã phát sinh trong thời gian vài năm trước đó liền kề.

Quy định về trích trước tuy tạo thuận lợi khá nhiều cho cộng đồng DN trong việc hạch toán, xác định đúng kết quả kinh doanh của một kỳ kế toán, tránh tình trạng phải nộp thuế TNDN nhiều hơn số thực tế phát sinh. Tuy nhiên, các DN cũng không bao giờ quên nguyên tắc căn bản là phải quyết toán đối với từng trường hợp có xử lý trích trước. Khi đó, phiếu kế toán (kèm bảng tính chi tiết, hoặc liệt kê chứng từ phát sinh kèm với phiếu kế toán) là một chứng từ tiện lợi, có giá trị pháp lý, giúp cho DN thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trước cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra.

Hy vọng rằng những nội dung mới của Thông tư số 18/2011 được đề cập trong bài viết này được cộng đồng DN quan tâm và nghiên cứu văn bản Thông tư một cách đầy đủ, toàn diện để cùng với cơ quan thuế, các cơ quan liên quan thực thi đúng nghĩa vụ thuế TNDN.!

Văn bản liên quan còn hiệu lực đến tháng 5/2011

Để độc giả tiện theo dõi, chúng tôi chỉ đề cập đến các văn bản dưới hình thức Thông tư (TT) của Bộ Tài chính liên quan trực tiếp đến thuế TNDN còn nhiệu lực tại thời điểm hiện nay:

1- TT số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 về thuế TNDN;

2- TT số 134/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 về thuế nhà thầu nước ngoài;

3- TT số 201/2009/TT-BTC ngày 15/10/2009 về xử lý chênh lệch tỷ giá;

4- TT số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 về khấu hao (thay thế Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003);

5- TT số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009  về các khoản dự phòng,…

6- TT số 40/2010/TT-BTC ngày 23/3/2010 về xử lý chênh lệch do đánh giá lại tài sản để góp vốn, điều chuyển tài sản, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN;

7- TT số 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 về xác định trị giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên liên kết.

8- TT số 176/2010/TT-BTC ngày 05/11/2010 về hỗ trợ cho các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ;

9- TT số 15/2011/TT-BTC ngày 9/02/2011 về quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN.

10- TT số 18/2011/TT-BTC ngày 10/2/2011 sửa đổi, bổ sung TT số 130/2008. Thông tư này đã kế thừa và tổng hợp tất cả các nội dung của các văn bản hướng dẫn xử lý quyết toán thuế năm 2009 và 2010 (Công văn số 7250 BTC-TCT ngày 7/6/2010; CV số 518/TCT-CS ngày 14/02/2011).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét